Quan niệm nhà ở dân gian truyền thống thường được xây dựng với số gian lẻ (3,5,7,9) dường như đã được kiểm chứng thông qua kết quả điều tra lần này.
Riêng tại Nghệ An, bên cạnh 41% (trong tổng số 384 ngôi nhà) số nhà có năm gian, thì còn có 16% tổng số là các trường hợp nhà bốn gian và 10% là sáu gian. Con số thực tế này khiến cho chúng ta phải quan tâm đến những nét đặc trưng khác biệt của kiến trúc nhà ở dân gian Nghệ An.
1 Bố cục mặt bằng
Tại Nghệ An bắt gặp một số bố cục nhà chính khác biệt. Cụ thể là, nhà chính được chia thành ba phòng với vách ngăn bằng gỗ, bao gồm: phòng ngoài cùng ở phía bên phải (thường là 3 gian hoặc 2 gian) được gọi là nhà ngoài/nhà trên, kế tiếp đó là gian bảy, trong mọi trường hợp đều chỉ có một gian, nhưng luôn là gian rộng nhất, cuối cùng là nhà trong/nhà dưới (thường là 2 hoặc 3 gian).
Giống như các địa phương khác, nhà ngoài là nơi để đặt bàn thờ tổ tiên, và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chính của chủ nhà, còn nhà dưới là nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình bao gồm cả bếp và chỗ ngồi ăn. Riêng gian bảy, một không gian thường được bịt kín cả bốn phía12, thường nằm kẹp giữa nhà trên và nhà dưới là một đặc trưng riêng của Nghệ An. Đây là nơi cất giữ các các đồ đạc quí của gia đình hoặc là phòng dành riêng cho các cặp vợ chồng mới kết hôn. Đôi khi gian bẩy được ngăn thành hai không gian phía trước và phía sau. Không gian phía sau được sử dụng như nhà kho, còn không gian phía trước là nơi đặt bàn thờ của những người mới mất trong gia đình13, hoặc trong một số trường hợp nó được bố trí là chỗ ngủ của người cao tuổi nhất trong nhà. Cho đến nay tại các tỉnh đã tiến hành điều tra thì không tại nơi nào bắt gặp hình thức mặt bằng với số gian chẵn và có gian bảy với mục đích sử dụng giống như ở Nghệ An (hình 7).
2 Kết cấu vì kèo
Bên cạnh những nét đặc trưng trong bố cục mặt bằng, kết cấu vì kèo của nhà ở dân gian Nghệ An cũng có những điểm khác biệt. Theo số liệu điều tra cho thấy hơn 20% tổng số là những trường hợp có mái ở đầu hồi (ảnh 4). Nếu so sánh với các địa phương khác thì đây là một tỷ lệ đáng kể. Tuy nhiên, cấu tạo của mái hoàn toàn khác với hình thức bốn mái của cả hai nhóm nhà nêu trên. Trên thực tế cấu trúc mái ở đây không có mối liên hệ đáng kể với cấu trúc của vì kèo ở hai bên hồi, do đó có thể phỏng đoán rằng nó đã được “ngói hóa” của hình thức mái lợp rơm ở đầu hồi. Ngoài ra, chiều sâu của nhà ở dân gian Nghệ An không sâu như ở những địa phương khác nên vì kèo thường chỉ 1 gian hoặc 3 gian. Hơn nữa, mặc dù mái hiên được vươn ra khá lớn nhưng đa số các nhà đều không có hàng cột hiên.
Theo số liệu điều tra thì 64% nhà ở tại Nghệ An đã có hình thức vì thân loại 3(1) và 3(2) giống như nhóm nhà ở dân gian miền Bắc, và 7% số nhà có hình thức vì kèo loại 2 và loại 4. Nhìn chung, tất cả các vì kèo nêu trên đều được xây dựng với qui mô nhỏ và được đơn giản hóa so với vì kèo nguyên gốc ở miền bắc. Bên cạnh những hình thức vì kèo nêu trên, tại Nghệ An còn xuất hiện hai hình thức vì kèo hoàn toàn khác so với các tỉnh đã tiến hành điều tra đặc biệt là các tỉnh ở miền bắc. Một là, hình thức vì kèo đơn giản được cấu thành từ hai cột với một thanh dầm dài nối phía đầu hai cột. Kèo bao gồm hai thanh gỗ dẹt kẹp lấy hai bên đầu cột và dầm (kèo kẹp) (hình 7). Ở phía trên dầm người ta đóng ván sàn chạy dài suốt chiều ngang của nhà. Mặc dù ngôi nhà này mới được xây dựng năm 1942, nhưng có thể cho rằng hình thức vì kèo đơn giản này không có chung cội nguồn
với các hình thức vì kèo miền bắc mang nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lục địa. Hai là, hình thức vì kèo có cột giữa hoặc có trụ chống lên tận nóc. Hình thức vì kèo này tương tự như hình thức vì kèo loại 1 ở miền trung và miền nam, tuy nhiên đa số chúng đều sử dụng hình thức kèo kẹp và có qui mô nhỏ hơn rất nhiều. Hình thức kèo kẹp ở đây đã gợi đến hình ản của cấu trúc kèo tre nguyên thủy. Đa số các trường hợp kèo kẹp ở Nghệ An đều là những cặp kèo mỏng và dài từ nóc đến giọt gianh của mái.
Tại Nghệ An, vì kèo với cấu trúc kẻ ngồi và kỹ thuật xẻ mộng đầu cột giống như hình thức vì kèo ở miền bắc được phổ biến và chiếm đại đa số, tuy nhiên, trong một số trường hợp trong một nhà đã sử dụng cả hai hình thức kẻ ngồi và kèo kẹp. Trong những trường hợp đó, kẻ ngồi luôn luôn được xuất hiện ở nhà ngoài còn kèo kẹp chỉ được thấy ở nhà trong. Việc sử dụng cùng một lúc hai hình thức vì kèo này tại những vị trí khác nhau đã cho thấy ưu thế của hình thức vì kèo với cấu trúc kẻ ngồi so với cấu trúc kèo kẹp. Mặc dù, những ngôi nhà sử dụng hình thức kèo kẹp đều mới chỉ được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng có thể chúng có nguồn gốc và được phát triển lên từ kiến trúc truyền thống bản địa.__