Khái niệm về đạo đức
Đạo là đường hướng, nguyên tắc, đức là phẩm chất hợp với đạo lý làm
người. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam: “Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc hoặc toàn xã hội). Căn cứ vào những chuẩn mực ấy, người ta đánh giá hành vi của mỗi người theo các quan niệm về thiện và
ác, về cái không được làm (vô đạo đức) và về nghĩa vụ phải làm.”6
Còn trong tiếng Anh, “đạo đức” là “ethics”. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy
Lạp “ethikos”, “ethike” hay “ethos” có nghĩa là phong tục, tập quán. Từ điển tiếng Anh định nghĩa: “Đạo đức là những nguyên tắc quy định điều tốt và xấu được chấp
nhận bởi một cá nhân hay một tập thể trong xã hội.”
Như vậy, trong tiếng Anh hay tiếng Việt, trong quan niệm phương Đông hay
phương Tây đều cho rằng: đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực và nó được
phản ánh trong mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội
Đạo đức nghề nghiệp
3.2.1. Định nghĩa
Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội, là đạo đức cụ thể
trong đạo đức chung của xã hội. Cụm từ “Đạo đức nghề nghiệp” (Professional ethics hay Déontologic) xuất hiện là tên gọi khoa học về cách sử dụng nghề nghiệp
của con người (Déon: bổn phận cần phải làm, logos: học thuyết – Déontologic được
nhà triết học Anh Jeremy Bentham, tác giả của Thuyết vị lợi, sử dụng có ý nghĩa là
nghĩa vụ luận, đạo đức nghề nghiệp). Ta có thể định nghĩa:
Đạo đức nghề nghiệp là những yêu cầu đạo đức đặc biệt, có liên quan đến
việc tiến hành một hoạt động nghề nghiệp nào đó, là tổng hợp của các quy tắc, các nguyên tắc chuẩn mực của một lĩnh vực nghề nghiệp trong đời sống, nhờ đó mà mọi thành viên của lĩnh vực nghề nghiệp đó tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích và sự tiến bộ của nó trong mối quan hệ giữa cá nhân với cá
nhân, cá nhân với tập thể và cá nhân với xã hội.7